Định nghĩa, tình trạng và những mối quan hệ Vô_tính_luyến_ái

Do có sự khác nhau đáng kể giữa những người tự xem mình là vô tính cho nên vô tính có thể xem là một khái niệm rộng.[16] Các nhà nghiên cứu nhìn chung coi vô tính là sự không cảm thấy hấp dẫn tình dục hoặc không quan tâm đến tình dục,[4][6][9] nhưng các định nghĩa của họ thì khác nhau, đại loại như "các cá nhân có ít hoặc không có ham muốn tình dục, cảm thấy ít hoặc không thấy hấp dẫn tình dục, có ít hoặc không có hành vi tình dục; các mối quan hệ thuần túy lãng mạn không tình dục; hoặc kết hợp giữa không có ham muốn lẫn hành vi tình dục."[6]

Asexual Visibility and Education Network (AVEN) định nghĩa người vô tính là "những ai không cảm thấy hấp dẫn tình dục" và phát biểu "một ít số ít sẽ nghĩ mình là vô tính trong một khoảng thời gian ngắn khi họ tìm hiểu giới tính thật sự của mình" và "không có một phép thử quỳ tím nào có thể xác định một người là vô tính hay không. Vô tính, như các thiên hướng khác, – at its core, chỉ là một từ người ta dùng nhằm giúp xác định bản thân mình. Nếu tại thời điểm nào đó có ai đó thấy từ vô tính thích hợp để miêu tả mình thì chúng tôi khuyến khích họ sử dụng, chừng nào việc làm đó còn có ý nghĩa."[17]

Một số người vô tính, dù không cảm thấy hấp dẫn tình dục từ bất cứ giới nào vẫn có thể tham gia vào các mối quan hệ lãng mạn thuần túy, trong khi số khác thì không.[9][18][19] Một số xác nhận họ cảm thấy bị hấp dẫn tình dục nhưng không có khuynh hướng thực hiện chúng bởi họ không có ham muốn thực sự hoặc không thấy cần thiết phải tham gia vào. Một số hoàn toàn không có hoạt động tình dục lẫn phi tình dục (âu yếm, nắm tay...), trong khi số khác vẫn tham gia vào các hành vi phi tình dục.[6][11][12][16] Một số hoạt động tình dục chỉ vì tò mò.[6] Một số có thể thủ dâm để bản thân cảm thấy dễ chịu, số khác lại không thấy cần phải làm vậy..[16][20][21]

Nói riêng về hoạt động tình dục, cộng đồng vô tính xem sự cảm thấy cần thiết hoặc muốn thủ dâm là một sex drive, tách bạch khỏi hấp dẫn tình dục và không có nghĩa là có ham muốn; những người vô tính mà thủ dâm thường xem nó như một sản phẩm bình thường của cơ thể chứ không phải là dấu hiệu của bản năng tình dục ngấm ngầm, và một số thậm chí không thấy khoái cảm khi làm việc đấy.[6] Một vài người nam vô tính không thể thực hiện việc xuất tinh và hoạt động tình dục by attempting penetration là không thể đối với họ.[22] Quan điểm của những người vô tính về việc hành vi tính dục cũng khác nhau: một vài không có ý kiến gì và có thể tham gia quan hệ tình dục vì đối tác của mình, số khác lại chống đối dữ dội, mặc dù nói chung họ không ghét những người khác vì việc quan hệ tình dục.[6][16][21]

Một số người tự xem mình là người vô tính cũng tự xem mình thuộc các nhãn dán khác. Những nhãn dán này bao gồm cách họ định nghĩa về giới và xu hướng tình cảm của họ. Họ thường sẽ tích hợp những đặc điểm này vào một bản dạng rộng hơn mà họ sẽ dùng để nhận diện bản thân. Liên quan đến những khía cạnh lãng mạn hoặc cảm xúc của xu hướng tính dục hoặc bản dạng tính dục, ví dụ, người vô tính có thể tự xem mình là người dị tính, đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, queer hoặc bằng những thuật ngữ dưới đây để chỉ ra rằng họ gắn với khía cạnh lãng mạn, nhiều hơn là khía cạnh tình dục của xu hướng tính dục:

・Vô ái (aromantic): không cảm thấy bị hấp dẫn theo hướng lãng mạn với bất kỳ ai

・Song ái (biromantic); tương tự như song tính

・Dị ái (heteroromantic); tương tự như dị tính

・Toàn ái (panromantic); tương tự như toàn tính

Có những người tự xem mình là người Bán vô tính (như người Bán ái (gray-romantic), Á ái (demiromantic), Á tính (demisexual) hoặc … (semisexual)) vì họ cảm thấy rằng họ ở lưng chừng giữa vô ái và không vô ái, hoặc lưng chừng giữa vô tính và việc hấp dẫn tình dục. Trong khi thuật ngữ “Bán vô tính” bao hàm bất cứ những ai đôi khi có cảm xúc lãng mạn hoặc hấp dẫn tình dục, thì những người á tính hoặc semisexual lại trải nghiệm hấp dẫn tình dục chỉ dưới dạng một thành tố thứ cấp, tức là cảm thấy có hấp dẫn tình dục chỉ khi một sự kết nối ổn định vừa phải hoặc một kết nối cảm xúc lớn được thiết lập.

Còn có những từ và cụm từ độc đáo khác được sử dụng trong cộng đồng người vô tính để mô tả kỹ về các bản dạng và các mối quan hệ. Một thuật ngữ được tạo ra bởi các cá nhân trong cộng đồng người vô tính là “tập trung vào bạn bè”, cụm từ này chỉ những mối quan hệ được đánh giá cao và không mang cảm xúc lãng mạn. Những thuật ngữ khác bao gồm “quả bí” (squishes) và “bí ngòi” (zucchinis), lần lượt có nghĩa là “những sự cảm mến không mang cảm xúc lãng mạn” và “mối quan hệ queer lý tưởng thuần khiết”. Những thuật ngữ như “phi vô tính” (non-asexual) và “hữu tính” (allosexual) được dùng để chỉ những cá nhân thuộc về phía đối diện của phổ tính dục. Một vài người vô tính sử dụng những quân Át trong bộ bài tây để nhận diện về xu hướng lãng mạn của họ, ví dụ như quân Át bích cho xu hướng vô ái và quân Át cơ cho xu hướng phi vô ái.

Nghiên cứu

Mức độ phổ biến

Vô tính luyến ái không phải là một khía cạnh mới của tính dục loài người, nhưng nó khá mới mẻ với những diễn ngôn công khai. So với những xu hướng tính dục khác, vô tính luyến ái chỉ nhận được rất ít sự quan tâm từ cộng đồng khoa học, với rất ít thông tin định lượng liên quan đến mức độ phổ biến của vô tính luyến ái. S. E. Smith từ tờ The Guardian không chắc rằng sự vô tính luyến ái/số người vô tính có thực sự tăng lên không, mà nghiêng về phía tin rằng xu hướng tính dục này đơn giản chỉ trở nên dễ thấy hơn. Alfred Kinsey xếp loại các cá nhân từ 0 đến 6 theo xu hướng tính dục của họ, từ dị tính đến đồng tính, được biết đến dưới tên “thang đo Kinsey”. Ông cũng thêm một phân loại ông gọi là “X” cho những cá nhân “không có giao tiếp hoặc phản ứng tình dục mang tính xã hội”. Tuy vậy, trong thời hiện đại, phân loại này được xếp loại dưới dạng đại diện cho vô tính luyến ái, học giả Justin J. Lehmiller nhấn mạnh, “Hạng X của Kinsey nhấn mạnh sự thiếu hụt hành vi tình dục, trong khi định nghĩa vô tính luyến ái hiện đại lại nhấn mạnh về sự thiếu hụt hấp dẫn tình dục. Theo đó, thang đó Kinsey có thể không đủ để phân loại vô tính luyến ái một cách chính xác. Kinsey gán cho 1,5% dân số nam trưởng thành nhãn X. Trong cuốn sách thứ hai của ông, “Hành vi tình dục ở người mang giới tính nữ” (Sexual Behavior in the Human Female), ông nói về tỷ lệ của những cá nhân mang nhãn X: nữ giới không kết hôn = 14-19%, nữ giới có kết hôn = 1-3%, nữ giới đã từng kết hôn = 5-8%, nam giới không kết hôn = 3-4%, nam giới đã kết hôn = 0% và nam giới đã từng kết hôn = 1-2%.

Số liệu thực nghiệm chi tiết hơn về một thống kê đầu người về người vô tính xuất hiên năm 1994, khi một nhóm nghiên cứu ở Vương quốc Anh thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện trên 18876 cư dân Anh, được thúc đẩy bởi nhu cầu về các thông tin liên quan đến tình dục trong bối cảnh đại dịch AIDS đang trỗi dậy. Bản khảo sát có một câu hỏi về hấp dẫn tình dục, với câu hỏi này 1,05% số người tham giả trả lời rằng họ “chưa bao giờ cảm thấy bị hấp dẫn tình dục với bất kỳ ai.” Nhà nghiên cứu về tính dục người Canada, Anthony Bogaert tiếp tục nghiên cứu về hiện tượng này vào năm 2004, ông khảo sát thống kê đầu người về người vô tính trong một chuỗi các nghiên cứu. Nghiên cứu của Bogaert chỉ ra rằng 1% dân số Anh không có trải nghiệm về hấp dẫn tình dục, nhưng ông tin rằng con số 1% không phản ánh đúng khả năng có con số lớn hơn rất nhiều về tỉ lệ dân số có thể được nhận định là vô tính, cũng cần lưu ý rằng 30% số người liên lạc để tham gia cuộc khảo sát đầu tiên đã chọn không tham gia vào cuộc khảo sát. Vì những người có ít trải nghiệm tình dục hơn thường từ chối tham gia vào những nghiên cứu về tính dục, và người vô tính thường có ít trải nghiệm tình dục hơn người hữu tính, có vẻ như sự hiện diện của những người vô tính là rất thấp trong số những người tham gia trả lời. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng số người đồng tính và song tính chiếm khoảng 1,1% dân số, có nghĩa là nhỏ hơn rất nhiều so với những gì những nghiên cứu khác đã chỉ ra.

Trái ngược lại với con số 1% của Bogaert, một nghiên cứu của Aicken và các cộng sự công bố vào năm 2013, đề xuất rằng, dựa trên dữ liệu Natsal-2 từ năm 2000-2001, mức độ phổ biến của vô tính luyến ái ở nước Anh chỉ là 0,4% trong độ tuổi 16-44. Tỉ lệ này chỉ ra một sự suy giảm từ con số 0,9% được xác định từ dữ liệu Natsal-1 thu thập từ độ tuổi tương tự từ một thập kỷ trước. Một bài phân tích của Bogaert năm 2015 cũng khám phá ra một sự suy giảm tương tự giữa dữ liệu Natsal-1 và Natsal-2. Aicken, Mercer và Cassell tìm thấy một số bằng chứng về sự khác biệt về sắc tộc giữa những người trả lời rằng họ chưa có trải nghiệm về hấp dẫn tình dục; cả nam giới và nữ giới gốc Ấn Độ và Pakistan đều có chiều hướng tường thuật về việc thiếu hụt hấp dẫn tình dục cao hơn.

Trong một khảo sát được thực hiện bởi YouGov vào năm 2015, 1632 người trưởng thành ở Anh được yêu cầu thử áp bản thân họ vào thang đo Kinsey. 1% người tham gia trả lời “Không tính dục”. Tỷ lệ của những người tham gia là 0% nam giới, 2% nữ giới, 1% trên tất cả các độ tuổi.

Xu hướng tính dục, sức khoẻ tâm thần và nguyên nhân

Có một cuộc tranh luận đáng lưu ý về việc vô tính luyến ái có phải là một xu hướng tính dục hay không. Vô tính luyến ái từng được so sánh và đặt ngang hàng với Rối loạn thiếu ham muốn tình dục cực độ (hypoactive sexual desire disorder - HSDD), cả hai đều nhấn mạnh sự thiếu hụt chung về ham muốn tình dục với bất kỳ ai; HSDD đã được dùng để y học hoá vô tính luyến ái, nhưng vô tính luyến ái nhìn chung không được coi là một chứng rối loạn hay một chứng rối loạn chức năng tình dục (như Rối loạn cực khoái (anorgasmia), Sự mất khoái cảm (anhedonia), v.v.), vì nó không nhất thiết định rõ rằng một người nào đó có một vấn đề về y tế hoặc những vấn đề liên quan đến những mặt khác mang tính xã hội. Không giống như những người mắc HSDD, người vô tính thường không trải qua cảm giác băn khoăn như “đau khổ rõ rệt” và “khó khăn giữa các cá nhân” về tính dục của họ, hoặc nhìn chung là sự thiếu hưng phấn tình dục; sự thiếu hụt hay không có ham muốn tình dục ở vô tính luyến ái được coi là một đặc tính bền vững suốt đời. Một nghiên cứu khám phá ra rằng, so với những người mắc HSDD, người vô tính cho biết về những mức độ thấp hơn của ham muốn tình dục, trải nghiệm tình dục, lo âu liên quan đến tình dục và những triệu chứng trầm uất. Những nhà nghiên cứu là Richards và Barker cho biết rằng không có những tỷ lệ bất cân xứng về việc “mất khả năng diễn đạt cảm xúc” (alexithymia), trầm cảm hoặc rối loạn nhân cách. Tuy vậy, vài người có thể tự xem mình là người vô tính dù tình trạng vô tính của họ được giải thích bằng một hoặc vài chứng rối loạn nêu trên.

Nghiên cứu đầu tiên đưa ra dữ liệu thực nghiệm về người vô tính được Paula Nurius công bố vào năm 1983, liên quan đến mối liên hệ của xu hướng tính dục và sức khoẻ tâm thần. Rất nhiều khảo sát, bao gồm bốn thang đo sức khoẻ lâm sàng, đã được thực hiện trên 689 đối tượng - hầu hết là sinh viên ở nhiều trường đại học khác nhau ở Hoa Kỳ, có tham gia các lớp tâm lý học và xã hội học. Kết quả cho thấy rằng người vô tính thường có lòng tự tôn 25,88% người dị tính, 26,54% người song tính (khi đó được gọi là người lưỡng tính (ambisexuals)), 29,88% người đồng tính, và 33,57% người vô tính được ghi nhận là có vấn đề với lòng tự trọng. Chứng trầm cảm cũng tồn tại xu hướng tương tự. Nurius không tin rằng một có một kết luận chắc chắn nào có thể được rút ra từ điều này vì rất nhiều lý do.

Trong một nghiên cứu năm 2013, Yule và các cộng sự đã tìm hiểu về sự biến thiên đối với sức khoẻ tâm thần giữa người dị tính, đồng tính, song tính và vô tính da trắng. Kết quả khảo sát trên 203 nam giới và 603 nữ giới tham gia được đính kèm trong kết luận. Yule và các cộng sự thấy rằng người tham gia là người vô tính nam thường được ghi nhận là có rối loạn cảm xúc nhiều hơn những người nam khác, đặc biệt là khi so sánh với những người tham gia là người dị tính. Điều tương tự cũng được chỉ ra ở nhóm người tham gia là người vô tính nữ so với những người tham gia là người dị tính; tuy nhiên, người không-vô-tính nữ, người không-dị-tính nữ chiếm tỷ lệ cao nhất. Người tham gia là người vô tính thuộc cả hai giới tính đều có xu hướng mắc chứngrối loạn lo âu nhiều hơn người tham gia là người dị tính và không-dị-tính, cũng như họ thường báo cáo về việc có cảm giác muốn tự sát gần kề nhiều hơn so với những người tham gia là người dị tính. Yule và các cộng sự đặt ra giả thuyết rằng những sự khác biệt này có thể là kết quả của sự phân biệt đối xử và những yếu tố mang tính xã hội khác.

Nói về các phân loại của xu hướng tính dục, vô tính luyến ái có thể bị cho là không phải một phân loại quan trọng để được đưa vào một chuỗi xếp hạng liên tiếp, thay vì thế lại bị cho là thiếu hụt về xu hướng tính dục hoặc thiếu tính dục. Những tranh luận khác còn nêu ra rằng vô tính luyến ái là sự chối bỏ tính dục tự nhiên của con người, và rằng đó là một chứng rối loạn gây ra bởi nỗi xấu hổ đối với tính dục, lo âu hoặc bạo hành tình dục, đôi khi còn giáng niềm tin này xuống những người vô tính có thủ dâm hoặc đôi khi có tham gia vào hoạt động tình dục chỉ đơn giản để làm đối tác tình cảm của họ hài lòng. Trong bối cảnh về bản dạng xu hướng tính dục, vô tính luyến ái có thể đáp ứng đầy đủ chức năng chính trị của một phân loại bản dạng xu hướng tính dục một cách thực tiễn.

Ý kiến/đề xuất cho rằng vô tính luyến ái là một rối loạn chức năng tình dục khá gây tranh cãi trong cộng đồng người vô tính. Những người tự nhận mình là người vô tính thường muốn nó được nhận định là một xu hướng tính dục. Những học giả tranh luận rằng vô tính luyến ái là một xu hướng tính dục có thể chỉ ra/dẫn ra sự tồn tại của những sở thích tình dục khác nhau. Họ và nhiều người vô tính tin rằng sự thiếu hụt hấp dẫn tình dục đủ cơ sở để được xếp loại là một xu hướng tính dục. Những nhà nghiên cứu tranh luận rằng những người vô tính không lựa chọn việc không có ham muốn tình dục và thường bắt đầu nhận ra sự khác biệt trong hành vi tình dục của họ vào độ tuổi thanh xuân. Vì những sự thật này đã sáng tỏ, sẽ hợp lý rằng vô tính luyến ái giống một lựa chọn mang tính hành vi hơn và không phải là một thứ gì đó để đem ra chữa trị như một chứng rối loạn. Còn có những phân tích về việc liệu nhận định bản thân là người vô tính có phải đang trở nên phổ biến hơn hay không.

Nghiên cứu về căn nguyên của xu hướng tính dục khi áp dụng lên vô tính luyến ái có vấn đề mang tính định nghĩa về xu hướng tính dục không còn được định nghĩa một cách nhất quán bởi những nhà nghiên cứu khi gộp chung cả vô tính luyến ái vào. Xu hướng tính dục được định nghĩa là bền vững và bất biến, đã được chứng minh là không chịu tác động từ những sự can thiệp với mục đích thay đổi, và vô tính luyến ái có thể được định nghĩa là một xu hướng tính dục vì nó là bền vững và bất biến theo thời gian. Trong khi dị tính luyến ái, đồng tính luyến ái và song tính luyến ái thường, nhưng không phải thường xuyên, được xác định vào những năm tháng trước khi bước vào tuổi dậy thì, thì không biết đượcvô tính luyến ái được xác định khi nào. “Không rõ là những đặc trưng này [đó là, “thiếu hứng thú hoặc ham muốn tình dục”] được cho là trọn đời hay là có thể tập quen được.”

Hoạt động tình dục và tính dục

Trong khi một số người vô tính thủ dâm chỉ đơn thuần để giải tỏa hoặc quan hệ tình dục vì lợi ích của đối tác tình cảm, những người khác không làm vậy (xem ở phía trên), Fischer và các cộng sự cho biết rằng “các học giả nghiên cứu về sinh lý học xung quanh vô tính luyến ái đề xuất rằng những người là người vô tính có thể có kích thích ở cơ quan sinh dục nhưng có thể gặp khó khăn với cái gọi là kích thích chủ quan.” Điều này có nghĩa là “trong khi cơ thể trở nên bị kích thích, một cách chủ quan - ở mức độ của tâm trí và cảm xúc - người đó không cảm thấy kích thích gì”.

Học viện Kinsey tài trợ cho một cuộc khảo sát nhỏ khác thuộc chủ đề này vào năm 2007, kết quả cho thấy những người tự nhận là người vô tính “cho biết về ham muốn tình dục với đối tác ít hơn đáng kể, khả năng kích thích tình dục thấp hơn, và hứng thú tình dục thấp hơn nhưng không có khác biệt cố hữu gì so với những người không vô tính về điểm ức chế tình dục hoặc ham muốn thủ dâm của họ".

Một bài báo năm 1977, tựa là “Những người phụ nữ Vô tính và Tự thỏa mãn: Hai nhóm vô hình” (Asexual and Autoerotic Women: Two Invisible Groups), viết bởi Myra T. Johnson,  đặc biệt dành cho vô tính luyến ái trong nhân loại. Johnson định nghĩa người vô tính là những người đàn ông và phụ nữ “những người, bất kể tình trạng cơ thể và cảm xúc, bất kể lịch sử sinh lý, bất kể tình trạng hôn nhân hoặc xu hướng tư tưởng, đều có vẻ nghiêng về hướng không muốn tham gia vào hoạt động tình dục.” Bà đối chiếu những phụ nữ tự thỏa mãn và những phụ nữ vô tính: “Phụ nữ vô tính hoàn toàn không có ham muốn tình dục [nhưng] phụ nữ tự thỏa mãn thừa nhận những ham muốn đó nhưng muốn tự thỏa mãn một mình hơn.” Bằng chứng của Johnson chủ yếu là những lá thư được viết bởi những phụ nữ vô tính/ tự thỏa mãn, gửi tới các biên tập viên của các tạp chí cho phụ nữ. Bà khắc họa họ là những người  vô hình, “bị đè nén bởi một quan điểm rằng họ không tồn tại,” và bị cuộc cách mạng tình dục và phong trào nữ quyền bỏ lại phía sau. Johnson tranh luận rằng xã hội hoặc lờ đi hoặc phủ nhận sự tồn tại của họ, hoặc khăng khăng họ phải kiêng khem khổ hạnh vì những lý do tôn giáo, thần kinh, hoặc vô tính vì lý do chính trị.

Trong một nghiên cứu công bố năm 1979 trong tập năm của “Nâng cao về nghiên cứu ảnh hưởng” (Advances in the Study of Affect) , cũng như trong một bài viết khác sử dụng cùng dữ liệu được công bố vào năm 1980 trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý xã hội (Journal of Personality and Social Psychology), Michael D.Storms từ Trường Đại học Kansas đã phác thảo lại cách diễn giải riêng của ông về thang đo Kinsey. Trong khi Kinsey đo xu hướng tính dục dựa trên sự kết hợp của hành vi tình dục thực sự, mộng tưởng và gợi dục, thì Storms lại chỉ sử dụng mộng tưởng và gợi dục. Tuy nhiên, Storms lại đặt gợi dục dị tính và gợi dục đồng tính lên hai hệ quy chiếu riêng chứ không đặt ở hai cực của thang đo, điều này cho phép phân biệt giữa song tính luyến ái (thể hiện cả gợi dục dị tính và đồng tính ở những mức độ tương ứng với người dị tính và đồng tính) và vô tính luyến ái (thể hiện một mức độ của gợi dục đồng tính tương ứng với người dị tính và một mức độ gợi dục dị tính tương ứng với người đồng tính, nghĩa là từ rất ít đến không có gì). Kiểu thang đo này lần đầu tiên giải thích về vô tính luyến ái. Storms ước đoán rằng rất nhiều nhà nghiên cứu tuân theo hình mẫu của Kinsey có thể xếp loại người vô tính thành người song tính, vì cả hai đều được định nghĩa một cách đơn giản bằng sự thiếu hụt ưu tiên về giới đối với đối tác tình dục.

Trong một nghiên cứu năm 1983 của Paula Nurius, bao gồm 689 đối tượng (hầu hết là sinh viên ở rất nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ, có tham gia các lớp tâm lý học và xã hội học), thang đo mộng tưởng và gợi dục hai chiều được sử dụng để làm thước đo cho xu hướng tính dục. Dựa trên kết quả thu được, người trả lời được chấm điểm từ 0 đến 100 cho gợi dục dị tính và từ 0 đến 100 cho gợi dục đồng tính. Những người trả lời có số điểm dưới hơn 10 ở cả hai thang đo được nhận định là “vô tính”. Nhóm này bao gồm 5% nam giới và 10% nữ giới. Kết quả cho thấy rằng người vô tính cho biết tần số và tần số mong đợi thấp hơn hẳn về việc có những hoạt động tình dục đa dạng bao gồm có nhiều đối tác, hoạt động tình dục qua đường hậu môn, giao hợp ở nhiều loại địa điểm, và các hoạt động tự thoả mãn.

Nghiên cứu của các nhà nữ quyền

Một bài báo có tựa là “Những xu hướng mới: Vô tính và những liên hệ với Lý thuyết và Thực hành” (New Orientations: Asexuality and Its Implications for Theory and Practice), được viết bởi Karli June Cerankowski và Megan Milks, được đăng năm 2010, cho rằng có lẽ vô tính luyến ái bằng cách nào đó vẫn còn là một câu hỏi dành cho những nghiên cứu về giới và tính dục. Cerankowski và Milks đã từng chỉ ra rằng vô tính luyến ái đặt ra nhiều câu hỏi hơn rất nhiều so với những gì nó giải đáp, ví dụ như làm cách nào một người có thể kiêng làm tình, một trong những điều được xã hội rộng rãi chấp nhận là một trong những bản năng cơ bản nhất. Bài báo “Những xu hướng mới” (New Orientations) của họ nhấn mạnh rằng xã hội đã cho rằng “[LGBT và] tính dục nữ là được trao quyền hoặc bị đàn áp. Phong trào vô tính thách thức định kiến đó bằng cách thách thức rất nhiều giáo lý cơ bản của chủ nghĩa nữ quyền ủng hộ tình dục mà trong đó vô tính được định nghĩa là mang tính đàn áp hoặc là những hoạt động tình dục chống lại tình dục.” Bên cạnh việc chấp nhận việc tự nhận dạng là người vô tính, Asexual Visibility and Education Network đã nêu rõ rằng vô tính luyến ái là một xu hướng tính dục được quyết định một cách sinh học. Phát biểu  này, nếu được phân tích một cách khoa học và được chứng minh, thì sẽ củng cố cho nghiên cứu mù về vùng dưới đồi của người đồng tính nam, phụ nữ và người dị tính nam của nhà nghiên cứu Simon LeVay, nghiên cứu đó chỉ ra rằng có sự khác biệt về mặt sinh học giữa người dị tính nam và người đồng tính nam.

Vào năm 2014, Cerankowski và Milks biên tập và xuất bản cuốn “Vô tính luyến ái: góc nhìn của các nhà nữ quyền và người queer” (Asexualities: Feminist and Queer Perspectives), một tuyển tập các bài luận nhằm mục đích khám phá những hoạt động chính trị về vô tính luyến ái từ một góc nhìn của nhà nữ quyền và người queer. Sách được chia làm phần giới thiệu và sáu phần: Đưa ra lý thuyết về vô tính luyến ái: Những xu hướng mới; Những hoạt động chính trị về vô tính luyến ái; Hình dung về Vô tính luyến ái trong Văn hóa truyền thông; Vô tính luyến ái và Tính nam; Sức khỏe, Khuyết tật và Y tế hóa; và Đọc về vô tính luyến ái: Lý thuyết văn học vô tính. Từng phần lại bao gồm hai hoặc ba bài viết trên một khía cạnh nhất định của nghiên cứu về vô tính luyến ái. Một trong những bài báo như thế được viết bởi Ela Przybylo, một cái tên khác đang trở nên phổ biến trong giới học thuật vô tính. Bài viết của bà liên quan đến tuyển tập của Cerankowski và Milks, tập trung vào những lời tường thuật của những người nam tự nhận là người vô tính, đặc biệt chú trọng vào những áp lực đàn ông phải trải qua đối với việc quan hệ tình dục trong diễn ngôn và truyền thông chiếm ưu thế ở  phương Tây. Ba người đàn ông sống ở Nam Ontario, Canada, được phỏng vấn vào năm 2011, và Przybylo thừa nhận rằng không gian mẫu nhỏ như thế có nghĩa là những phát hiện của bà không thể đủ khái quát để đại diện cho một tập hợp lớn hơn, và rằng chúng chỉ  mang tính thăm dò và tạm thời”, đặc biệt là trong một lĩnh vực vẫn còn nhiều thiếu sót về lý luận. Cả ba người tham gia phỏng vấn đều đề cập đến việc bị ảnh hưởng bởi khuôn mẫu rằng đàn ông phải tận hưởng và khát khao tình dục để có thể là “đàn ông thực sự”.

Một tác phẩm khác của Przybylo, Vô tính luyến ái và Những hoạt động chính trị nữ quyền về việc “không làm chuyện ấy” (Asexuality and the Feminist Politics of "Not Doing It"), được xuất bản năm 2011, đưa ống kính nữ quyền hướng tới những bài viết khoa học về vô tính luyến ái. Przybylo chỉ ra rằng vô tính luyến ái chỉ khả thi thông qua ngữ cảnh của phương Tây về “tính dục, giao cấu, và những nhu cầu dị tính ”. Bà đề cập đến những tác phẩm trước đó của Dana Densmore, Valerie Solanas, và Nreanne Fahs, những người tranh luận để bảo vệ cho “vô tính luyến ái và lối sống độc thân” dưới góc độ chiến lược chính trị nữ quyền cấp tiến chống lại tư tưởng phụ hệ. Trong khi Przybylo có phân biệt vài điểm giữa vô tính luyến ái và lối sống độc thân, bà cũng cân nhắc tới việc xoá mờ đi vài ranh giới giữa hai điều để một nhà nữ quyền có thể dễ dàng hiểu được chủ đề. Trong bài báo đăng năm 2013 của bà, “Những sự thật về sinh sản: Tình dục thực nghiệm và những Nghiên cứu khoa học về tình dục” (Producing Facts: Empirical Asexuality and the Scientific Study of Sex), Przybylo phân chia nghiên cứu về vô tính làm hai giai đoạn: từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1990, bao gồm những hiểu biết rất hạn chế về vô tính luyến ái, và việc khơi lại chủ đề gần đây, động thái mà bà cho rằng bắt đầu với nghiên cứu năm 2004 của Bogaert và đã khiến chủ đề này trở nên phổ biến hơn và biến nó “dễ nhận diện hơn về mặt văn hoá”. Trong bài viết này, Przybylo một lần nữa xác nhận rằng hiểu biết về vô tính là một hiện tượng văn hoá, và tiếp tục phê bình về việc nghiên cứu khoa học về vấn đề này.

CJ DeLuzio Chasin phát biểu trong cuốn “Nhìn nhận lại về vô tính luyến ái và tiềm năng cơ bản của nó” (Reconsidering Asexuality and Its Radical Potential) rằng nghiên cứu học thuật về vô tính luyến ái “đã đặt vô tính luyến ái ngang hàng với những diễn ngôn của nhà bản chất luận chủ nghĩa về xu hướng tính dục”, điều đó lại khá rắc rối vì tạo ra một hệ nhị nguyên giữa người vô tính và những người bị ép phải nhận các can thiệp tâm thần để chữa những chứng rối loạn như HSDD. Chasin nói rằng hệ nhị nguyên này ngụ ý  rằng tất cả những người vô tính đều trải qua sự thiếu hụt tình dục trọn đời (có nghĩa là mang tính lâu dài), rằng rất cả những người không vô tính nhưng trải qua cảm giác thiếu ham muốn tình dục đều buồn khổ vì điều đó, và rằng điều đó coi những người vô tính có trải qua cảm giác đau khổ đó là người mang bệnh. Vì Chasin nói rằng những chẩn đoán như HSDD là nhằm y tế hóa và thống trị tính dục của phụ nữ, bài báo này hướng tới việc “hóa giải” những định nghĩa mơ hồ, có hại cho cả người vô tính và phụ nữ. Chasin nhấn mạnh rằng vô tính luyến ái có sức mạnh thách thức những diễn ngôn tầm phào về tính tự nhiên của tình dục, nhưng rằng sự chấp nhận không một lời thắc mắc về định nghĩa hiện tại của nó lại không cho phép điều đó. Chasin cũng tranh biện trong bài báo đó và đâu đó trong bài “Tư duy hợp lý trong và về cộng đồng người vô tính: điều hướng các mối quan hệ và các bản dạng trong một bối cảnh phản kháng" (Making Sense in and of the Asexual Community: Navigating Relationships and Identities in a Context of Resistance) rằng có cần thiết phải chất vấn xem tại sao ai đó lại có thể đau khổ vì hứng thú tình dục của họ thấp. Chasin còn tranh biện sâu hơn rằng các nhà lâm sàng có một nghĩa vụ mang tính đạo đức là phải tránh coi việc ham muốn tình dục thấp là bệnh lý, và thảo luận về vô tính luyến ái như là một khả năng có thể xảy ra (nếu có liên quan) đến những bệnh nhân đi khám lâm sàng về ham muốn tình dục thấp.

Giao thoa giữa chủng tộc và khuyết tật

Học giả lanna Hawkins Owen viết rằng “Những nghiên cứu về chủng tộc đã tiết lộ rằng việc triển khai vô tính luyến ái như là một hành vi tình dục lý tưởng trong các diễn ngôn mang tính chi phối là để biện minh cho việc trao quyền cho người da trắng và sự phục tùng của người da đen để củng cố hệ thống xã hội và chính trị phân biệt chủng tộc.” Điều này một phần là do hành động đồng thời tình dục hóa và vô tình dục hóa phụ nữ da đen trong nguyên mẫu người vú nuôi da màu (Mammy archetype), cũng như cách xã hội vô tình dục hóa những chủng tộc thiểu số nhất định, như một nỗ lực để giành lấy sự thượng tôn của người da trắng. Điều này cũng tồn tại đồng thời cùng với hành động tình dục hóa cơ thể phụ nữ da đen trong nguyên mẫu Jezebel, cả hai đều được sử dụng để biện hộ cho chế độ nô lệ và cho phép kiểm soát sâu hơn. Owen cũng phê bình “... sự đầu tư vào việc xây dựng vô tính luyến ái trên nền tảng những luật lệ của chủng tộc da trắng (còn ai khác có thể đòi hỏi được tiếp cận với việc giống như tất cả mọi người khác?) ”. Eunjung Kim đã làm rõ sự giao thoa giữa khuyết tật/thuyết dị dạng (Crip theory) và vô tính luyến ái, chỉ ra rằng những người khuyết tật thường bị vô tình dục hóa nhiều hơn. Kim so sánh ý tưởng về những người phụ nữ lãnh cảm với vô tính luyến ái và phân tích lịch sử của nó từ góc độ của một người queer/người tàn tật/nhà nữ quyền.

Các công trình và học thuyết tâm lý của Bogaert

Bogaert cho rằng hiểu về vô tính luyến ái là điều quan trọng cốt lõi để hiểu về tính dục nói chung. Đối với các công trình của mình, Bogaert định nghĩa vô tính luyến ái là “một sự thiếu hụt về những khuynh hướng/cảm giác mang tính nhục dục hướng tới những người khác,” một định nghĩa mà ông tranh biện rằng là khá mới trong lý luận đương đại và các công trình thực nghiệm về xu hướng tính dục. Định nghĩa này về vô tính luyến ái cũng làm rõ sự khác biệt giữa hành vi và ham muốn, đối với cả vô tính luyến ái và lối sống độc thân, tuy vậy Bogaert cũng chú thích rằng có vài bằng chứng về suy giảm hoạt động tình dục của những người khớp với định nghĩa này. Ông còn phân biệt sâu hơn giữa ham muốn dành cho người khác và ham muốn dành cho kích thích tình dục, vế sau không phải lúc nào cũng không xuất hiện đối với những người tự nhận là người vô tính, dù ông công nhận rằng những nhà lý luận khác định nghĩa vô tính luyến ái theo cách khác và rằng những nghiên cứu sâu hơn cần được tiến hành về chủ đề “mối liên hệ phức tạp giữa sự hấp dẫn và ham muốn”. Sự phân biệt giữa hấp dẫn tình cảm và hấp dẫn tình dục cũng được làm rõ, và ông lấy cơ sở từ những công trình tâm lý học phát triển, cho rằng hệ thống cảm xúc lãng mạn bắt nguồn từ lý thuyết gắn bó (attachment theory) trong khi hệ thống hấp dẫn tình dục lại “chủ yếu tồn tại ở những cấu trúc não khác”.

Song song với đề xuất của Bogaert rằng hiểu về vô tính luyến ái sẽ dẫn đến hiểu biết sâu hơn về tính dục nhìn chung, ông còn thảo luận về chủ đề thủ dâm ở người vô tính để lý luận về người vô tính và “dị biệt ái ‘có định hướng về đối tượng’ (‘target-oriented' paraphilia), trong đó có một sự biến chuyển, đảo ngược, hoặc không kết nối nữa bản thể và mục tiêu/đối tượng tiêu biểu của hứng thú/hấp dẫn tình dục” (ví dụ như hấp dẫn với chính bản thân mình, được dán nhãn là “đối nguyên” (automonosexualism - bị kích thích tình dục bởi ý nghĩ rằng mình là người khác giới chứ không phải bởi những người khác).

Trong một bài báo đăng đầu năm 2006, Bogaert công nhận rằng một sự khác biệt giữa hành vi và sự hấp dẫn đã được chấp nhận trong các khái niệm về xu hướng tính dục gần đây, điều này hỗ trợ trong việc định vị vô tính luyến ái một cách đúng nghĩa. Ông bổ sung rằng, bằng khuôn mẫu này, “sự hấp dẫn tình dục (chủ động) là cốt lõi tâm lý của xu hướng tính dục,” và cũng chỉ ra rằng có thể có “vài sự nghi ngại ở [cả] cộng đồng học thuật và lâm sàng” về việc phân loại vô tính luyến ái là một xu hướng tính dục, và rằng điều đó làm nảy lên hai sự phản đối đối với sự phân loại như thế: Thứ nhất, ông gợi ý rằng có thể có vấn đề trong việc tự nhận dạng (VD: “Một sự thiếu hấp dẫn được quan sát thấy hoặc được chỉ ra ”, đặc biệt là với những định nghĩa về xu hướng tình dục tập trung hơn vào kích thích của cơ thể hơn là sự hấp dẫn chủ động), và, thứ hai, ông chỉ ra vấn đề về sự chồng chéo giữa không có ham muốn tình dục và ham muốn tình dục rất thấp, vì những người có ham muốn tình dục rất thấp vẫn có thể có xu hướng tình dục tiềm ẩn” mặc dù có khả năng cao sẽ nhận dạng là người vô tính .